Phát biểu chỉ đạo cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) đến các ngành sản xuất của Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức chiều 26/2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hoá trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia.
Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam.
Chưa kể, ngoài Trung Quốc, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã bùng phát dịch, châu Âu, châu Mỹ phát hiện một số trường hợp dương tính với virus, khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn.
“Diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, các thị trường quan trọng của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Song tôi cho rằng không làm bi đát, trầm trọng hóa tình hình”, Bộ trưởng Công Thương chia sẻ. Ông yêu cầu cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của dịch để có thể đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, khả thi.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng trước mắt Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Cùng với đó, cần có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Thông tin tại cuộc họp, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết: Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất.
Trong đó, ngành điện, điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Tương tự, đa số các doanh nghiệp dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đến đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.
Tương tự, ngành sản xuất lắp ráp ô tô năm 2019 nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD, Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD,... Dự kiến, đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất.
"Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động", ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp thông tin thêm: Cùng với việc thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ cũng là vấn đề lo ngại của nhiều doanh nghiệp.
Cần chính sách hỗ trợ gấp
Về giải pháp, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước. Đó là đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước TƯ và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.
Đồng thời, tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam có thế mạnh là hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, ứng phó tốt với các sự kiện bất khả kháng lớn như thiên tai, dịch bệnh... đồng thời môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải cách, sẽ là điểm đến thích hợp cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung cũng như dịch bệnh tại Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đề nghị trong lúc hàng nông sản bị ảnh hưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cần cân nhắc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan với hàng nhập khẩu đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của ta.
“Hàng năm nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD nông sản, 1,8 tỷ USD rau quả, 1 tỷ USD sữa và sản phẩm sữa, thịt là 1,4 tỷ USD,... Để tăng cầu nội địa, phải tính tới biện pháp phi thuế tạm thời với hàng đang nhập khẩu từ các nước", ông Trần Duy Đông nói.
Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng tăng cường nội lực trong nước để đảm bảo nguồn cung rất quan trọng, kể cả khi dịch bệnh đã qua, để tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet.vn