Báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho thấy, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW; trong đó, các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW, chiếm 33,2%; các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW, chiếm 66,8%.
Như vậy trong giai đoạn 2016-2030, EVN được giao đầu tư 24 dự án (bao gồm cả dự án thủy điện tích năng Bác Ái) với tổng công suất là 15.215 MW; trong đó giai đoạn 2016-2020 cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất 7.185 MW.
Trong tổng số 24 dự án này, có 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Dự kiến có 6 dự án phát điện đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, trong năm 2019, EVN đã hoàn thành xây dựng 2 nhà máy, bao gồm phát điện thương mại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân IV mở rộng (công suất 600 MW). Đồng thời, đã hòa lưới phát điện Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW), dự kiến cấp chứng chỉ nghiệm thu tạm thời (PAC) vào cuối tháng 3/2020.
Đối với 2 dự án đang thi công xây dựng, tổng tiến độ dự án Thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW) đến nay đạt trên 96%, phấn đấu phát điện 2 tổ máy trong Quý 2/2020. Dự án Thủy điện Đa Nhim mở rộng (80 MW) do thi công đào hầm dẫn nước gặp phải đoạn địa chất xấu, cần phải xử lý gia cố (khoảng 17 mét dài).
Hiện nay công tác đào hầm bằng khoan nổ và lắp đặt thiết bị cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Đường găng chính phục vụ tích nước hồ chứa là đào thông hầm và tiến hành gia cố hầm khu vực địa chất yếu theo thiết kế. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7/2021 và phát điện vào quý 3/2021.
Đối với 11 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư xây dựng và thiết kế, Ban chỉ đạo cho biết, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I (2.400 MW), sau khi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản ủy quyền Hội đồng Thành viên EVN phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng công trình này, EVN đã phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7535/VPCP-CN; trong đó giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hướng dẫn đối với các khoản vay vượt hạn mức của EVN để đẩy nhanh tiến độ dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Hiện EVN đang tiếp tục rà soát cập nhật, hoàn thiện hồ sơ mời thầu gói thầu EPC theo nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh được duyệt. Phấn đấu khởi công dự án cuối năm 2020 và phát điện trong năm 2024. Tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh là phát điện trong giai đoạn 2021-2022.
Về dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II (2.400 MW), Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6892/VPCP-CN ngày 07/8/2019 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng bộ, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dự án này đã có ý kiến thẩm định của 9/10 bộ ngành liên quan, còn lại Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đang xem xét trả lời. Ban quản lý khu Kinh tế Quảng Bình đang tổng hợp ý kiến thẩm định để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án đưa vào vận hành trong giai đoạn 2028-2029.
Hiện EVN đã trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án sử dụng vốn vay ODA với công suất 1.050 MW+10% và hoàn thành phát điện năm 2025 (chậm 5 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 1015/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xem xét thẩm định.
Do vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III phụ thuộc vào ý kiến các bộ, ngành và Quốc hội nếu sử dụng nguồn vốn vay ODA. Dự kiến tiến độ phát điện sẽ lùi đến năm 2025, chậm 5 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng giao Hội đồng thành viên EVN quyết định đầu tư dự án nhiệt điện Ô Môn IV (1.050 MW). Hiện EVN đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án và đang xem xét phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai các bước tiếp theo. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ dự án vận hành năm 2021.
Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án Nhiệt điện Dung Quất I sẽ vào năm 2023; Nhiệt điện Dung Quất III năm 2026. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án này, EVN đang triển khai lập FS dự án.
Đối với dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án trong giai đoạn 2021-2022. Dự kiến, EVN sẽ khởi công công trình chính trong quý 4/2020 và phát điện 2 tổ máy trong năm 2024.
Với các dự án thủy điện mở rộng khác như Thủy điện Ialy mở rộng (360 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành trong năm 2020. Tuy nhiên dự án đang triển khai lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để dự kiến khởi công quý 2/2021 và phát điện 2 tổ máy năm 2024. Còn Thủy điện Trị An mở rộng (200 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án trong năm 2025.
Từ năm 2018, EVN đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt PreFS dự án. Ban cán sự Đảng tỉnh Đồng Nai đã trình Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến về Chủ trương đầu tư của dự án.
Ngày 29/11/2019, Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực có văn bản số 9105/BCĐQGĐL-VP gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai báo cáo quá trình triển khai các thủ tục và xem xét phê duyệt Chủ trương đầu tư của dự án, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa phản hồi.
Về Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án này sẽ đưa vào trong giai đoạn 2023-2025. Ban Chỉ đạo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao EVN tiếp tục triển khai đầu tư dự án. Hiện cụm công trình cửa xả sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4/2021, đồng bộ với tiến độ tích nước hồ Sông Cái-hồ Tân Mỹ. Toàn bộ các hạng mục công trình còn lại đang triển khai khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, các dự án nguồn điện đang được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: các dự án do các tập đoàn nhà nước EVN, Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn: Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT); các dự án đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập (IPP). Tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch.
Cụ thể, PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án.
Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
TKV thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện nay cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.
Đến thời điểm hiện nay, ngoài 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất gần 27.000 MW, còn có 7 dự án có công suất trên 100 MW được đầu tư xây dựng theo hình thức IPP với tổng công suất gần 2.000MW.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, các dự án IPP này cũng đều chậm tiến độ; trong đó một số dự án khó xác định được thời gian hoàn thành như dự án Thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô; Dự án Nhiệt điện Công Thanh vẫn chưa giải quyết xong giải phóng mặt bằng; Dự án Thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thể tích nước do chưa hoàn tất việc thi công Dự án Nâng cấp Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa từ Ngã ba Tòng Đậu đến Ngọc Lặc (đoạn tránh ngập hồ Thủy điện Hồi Xuân)./.
Theo Hoàng Dũng (TTXVN/Vietnam+)